Kính gửi: Quý Ông/Bà.
Vấn đề quý Ông/Bà hỏi, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xin trả lời như sau:
Tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định về điều kiện đăng ký thường trú:
“2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;”
Như vậy, đối với trường hợp con đăng ký thường trú về ở với cha, mẹ khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.
Việc lấy ý kiến chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được thực hiện theo 03 phương thức quy định tại mục (3), (4) phần chú thích tại biểu Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA ngày 17/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an, cụ thể:
(1) Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai;
(2) Xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID hoặc các dịch vụ công trực tuyến khác;
(3) Có văn bản riêng ghi rõ nội dung đồng ý (văn bản này không cần công chứng, chứng thực).
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 66/2023/TT-BCA ngày 17/11/2023 sửa đổi Điều 7 Thông tư số 57/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 quy định quá trình giải quyết đăng ký cư trú, cơ quan đăng ký cư trú thực hiện xác minh, theo đó cán bộ được giao thực hiện xác minh phải kiểm tra, xác thực và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của chỗ ở được đăng ký cư trú; quan hệ nhân thân của người đăng ký cư trú với chủ hộ trong trường hợp đăng ký vào hộ gia đình đã có và việc công dân sinh sống tại nơi đề nghị đăng ký cư trú.
Chân thành cảm ơn quý Ông/Bà.
Trân trọng./.