Kính gửi: Quý Ông/Bà.
Vấn đề quý Ông/Bà hỏi, Phòng Kinh tế thành phố Huế xin thông báo kết quả như sau:
Thời gian qua UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo về công tác tăng cường phòng chống bệnh dại. Trong các công văn đã hướng dẫn cho UBND các phường, xã về công tác tuyên truyền vận động người dân các biện pháp phòng chống bệnh dại, trong đó có lưu ý về vấn đề chó thả rông, chó đưa ngoài cần có rọ mõm và có người chăn dắt. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ dân thả chó ra ngoài. Việc thành lập Tổ xử lý chó, mèo nuôi không chấp hành tiêm phòng bệnh dại, thả rông nơi công cộng. Địa phương vẫn chưa thành lập đội bắt và xử lý chó thả rông do chưa bố trí được kinh phí để hỗ trợ cho các đội xử lý chó thả rông; chưa được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ bắt chó; chưa bố trí được nơi tạm giữ, chăm sóc chó sau khi bắt tại các xã, phường và chưa có biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận... Do vậy đến nay vẫn chưa xử lý được các trường hợp chó thả rông ra đường. Tuy vậy: Tại Mục 2 Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn có quy định như sau:
1. Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại
1.1. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)
a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
1.2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn
b) Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;
c) Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;
Do vậy nếu công dân có phản ánh đề nghị liên lạc với UBND cấp xã nơi phản ánh để đơn vị tiếp nhận xử lý.
Chân thành cảm ơn quý Ông/Bà.
Trân trọng.